Hòn Đá Bạc là thắng cảnh hấp dẫn của vùng đất cuối trời Nam, bao gồm một cụm đảo với 03 Hòn xếp liền nhau: Hòn Trọi, Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Bạc đầy kỳ thú, đậm nét hoang sơ. Hòn Đá Bạc được sóng và gió biển dành tặng riêng một tác phẩm thiên nhiên vô cùng độc đáo, vô số những hòn đá nằm cạnh nhau xếp thành từng lớp hình thù vô cùng lạ mắt như bàn tay tiên, bàn chân tiên,… Đây là những tuyệt tác mà bàn tay thiên nhiên đã ban tặng, khiến du khách tới thăm không khỏi trầm trồ. Tại đây, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã xây dựng tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc cao hàng chục mét, bia tưởng niệm, đền thờ Bác Hồ, Bảo tàng, Nhà truyền thống CAND nhằm ghi lại chiến công của lực lượng CAND Việt Nam cùng quân và dân Khánh Bình Tây anh hùng.
Thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử truyền thống của lực lượng CAND Việt Nam góp phần đánh bại âm mưu chiến lược Chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch đối với Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ XX.
Thắng lợi Kế hoạch phản gián CM12 không những thể hiện sự mưu trí, tài tình của lực lượng An ninh nói riêng, của lực lượng CAND nói chung trong cuộc đấu mưu đọ trí đầy nguy hiểm mà còn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của cán bộ chiến sỹ An ninh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới của Đảng.
Để ghi nhận những chiến công to lớn của lực lượng An ninh, Đảng ủy Công an TW và lãnh đạo Bộ Công an quyết định tu bổ, tôn tạo, xây dựng Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 và được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Nhà trưng bày bổ sung Di tích “Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12” tại ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 1642/2008/QĐ-BCA(X11) là một trong những công trình văn hóa của lực lượng CAND nhằm tuyên truyền gáo dục truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ An ninh Tổ quốc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ cho các thế hệ cán bộ chiến sỹ CAND và nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho quần chúng nhân dân. Đồng thời là nơi tôn vinh và ghi nhận những chiến công vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam.
Thông qua gần 550 tài liệu hiện vật, nhà trưng bày Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 giới thiệu nội dung trưng bày gồm 3 phần:
Phần thứ nhất:
Bối cảnh tình hình đất nước sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những nguy cơ và các vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với những mầm mống nhen nhóm của các tổ chức phản động âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam.
Phần thứ hai:
Chiến thắng Kế hoạch phản gián CM12 từ năm 1981 – 1984 với 18 chuyến câu nhữ bằng trò chơi nghiệp vụ đầy cam go nhưng cũng hết sức thành công của lực lượng an ninh nhân dân đã phá tan âm mưu và ảo vọng đen tối của tổ chức phản động “Mặt trận dân tộc thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu và trận đánh trên đảo Koh Kong (Campuchia) năm 1987 kết thúc thắng lợi kế hoạch phản gián trong thời gian dài.
Phần thứ ba:
Những phần thưởng của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an tặng lực lượng An ninh nhân dân trong thắng lợi 02 Kế hoạch phản gián CM12 & ĐN10.
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội và những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự lúc ấy, miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng đứng trước tình hình vô cùng phức tạp bởi sự tồn tại của hơn một triệu ngụy quân, gần nữa triệu ngụy quyền, cảnh sát an ninh, tình báo, gần 500 tổ chức Đảng phái phản động tan rã tại chỗ.
Trước tình hình đó, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã xác định: nhiệm vụ “Bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Nhà nước, là một trong những công tác lớn ở vùng mới giải phóng miền Nam”; lực lượng CAND đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhanh chóng ổn định tổ chức, xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; kịp thời ổn định trật tự xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân; tổ chức đăng ký trình diện cho số ngụy quân ngụy quyền của chế độ cũ, tập trung giáo dục cải tạo và cải tạo tại chỗ nhằm quản lý chặt chẽ địa bàn; đồng thời giải quyết các vấn đề tàn dư của chế độ cũ để lại, thu gom vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân, tăng cường giữ gìn an ninh trật tự; giải quyết các băng, ổ nhóm vũ trang manh động chống chính quyền, bóc gỡ các tổ chức gián điệp cài lại trong kế hoạch hậu chiến của Mỹ - ngụy, tăng cường đấu tranh chống phản cách mạng và đấu tranh làm thất bại âm mưu hoạt động của bọn phản động quốc tế, bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới lãnh thổ của Tổ quốc (nhóm ảnh bối cảnh, tình hình an ninh trật tự, tình hình kinh tế xã hội sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng).
Ngày 17/2/1976, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh trở về Pháp ra mắt cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam” do Lê Quốc Túy làm chủ tịch. Chúng dùng cờ 3 sọc làm cờ mặt trận, ở nước ngoài chúng dựng lên một bộ máy tổ chức gọi là “Hội đồng Trung ương Mặt trận” làm chiêu bài để tuyển dụng lực lượng và để câu móc với bọn phản động.
Tên Mai Văn Hạnh được phong chức đồng chủ tịch - ủy viên sáng lập tổ chức. Hạnh cùng Túy nhiều lần ra nước ngoài câu kết với các thế lực thù địch với Việt Nam, tìm quan thầy giúp đỡ, tài trợ về mọi mặt, tuyển lựa người Việt sống lưu vong. Khi có chỗ dựa, chúng đến các trại tị nạn để tuyển mộ lực lượng đưa về huấn luyện tại 2 mật cứ là “Tự thắng” và “Quyết tiến” trên đất Thái Lan. Chúng đã mở 14 khóa huấn luyện trong đó có 4 khóa điện đài, 2 khóa sử dụng chất nổ, tổng số khoảng 400 tên có bí số riêng (nhóm hình ảnh, tài liệu hoạt động của tổ chức này tại nước ngoài).
Ngày 06/01/1981 toán đầu tiên do tên Lê Hồng Dự (K34) làm toán trưởng xâm nhập bằng đường bộ qua Campuchia vào An Giang. Qua Kinh Vĩnh Tế thì bị người dân phát hiện báo cho cơ quan Công an bắt giữ toán gián điệp này khi chúng vừa xâm nhập vào Việt Nam.
Qua khai thác, với những chứng cứ thu được về bọn Túy – Hạnh và lời khai của toán gián điệp này, Bộ Công an nhanh chóng triệu tập cuộc họp tại TP HCM bàn kế hoạch chống gián điệp biệt kích xâm nhập bằng đường biển (nhóm hình ảnh).
Qua khai thác, nắm được ý đồ của địch, lực lượng an ninh tiến hành phương án nghiệp vụ tương kế tựu kế.
Chiều ngày 22/5/1981, ta tổ chức thành công chuyến liên lạc về trung tâm: “tàu đã vào tới nơi, anh em an toàn” – Kế hoạch CM12 bắt đầu được triển khai hoạt động trên địa bàn rộng lớn tại phía Nam. Đồng chí Trần Phương Thế (tức Tám Thậm) lúc đó là Trưởng ban bảo vệ chính trị, Ty Công an Minh Hải được giao nhiệm vụ đóng vai cơ sở nội địa của Tổ đặc biệt (mang bí số NK01) đã tiếp xúc các đầu mối của địch và trực tiếp gặp Mai Văn Hạnh ở mật cứ.
Đối với Túy – Hạnh ở trung tâm chỉ huy tại nước ngoài, chúng hoàn toàn tin cậy ở tổ đặc biệt, tin vào sự phát triển của cơ sở trong nội địa. Từ 9/9/1981 – 9/9/1984 các hoạt động của chúng hoàn toàn bị cơ quan an ninh Việt Nam chi phối và điều khiển theo kế hoạch đã định – mặc dù Túy và Hạnh đã hai lần về Việt Nam để trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo (ảnh chòi trong rừng).
Qua đấu tranh chuyên án, lực lượng an ninh thưc hiện thành công 18 chuyến câu nhữ, thu giữ trên 130 tấn vũ khí các loại, 14 tấn tiên giả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bắt giữ 148 tên xâm nhập. Cho đến khi kết thúc chuyên án, ở nước ngoài kẻ địch không hay biết gì (Sa bàn 18 chuyến xâm nhập, bảng thống kê kết quả đấu tranh chuyên án).
Theo đúng kế hoạch của ta, ngày 9/9/1984, lực lượng an ninh đón bắt chuyến xâm nhập cuối cùng trong Kế hoạch phản gián CM12 tại Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau).
Trong chuyến cuối cùng này, ta đã bắt sống Trần Văn Bá và Mai Văn Hạnh, số chống cự bị ta tiêu diệt 13 tên, bị thương 3 tên, bắt sống 7 tên, thu 2 tàu và toàn bộ vũ khí trang bị của chúng. Kế hoạch phản gián CM12 kết thúc thắng lợi. Âm mưu và ảo vọng của những kẻ phản cách mạng do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu đã tiên tan, diệt vong.
Trong Kế hoạch phản gián CM12, lực lượng an ninh đã điều tra khám phá các tổ chức phản động trong nội địa bao gồm 8 chuyên án của các tổ chức phản động, đồng thời tổ chức kế hoạch đón bắt 18 chuyến xâm nhập của bọn Túy – Hạnh, gồm:
148 tên biệt kích
Thu 3579 khẩu súng,
1.200 kg thuốc nổ,
38.400 trái lựu đạn,
Trên 2 triệu viên đạn,
18 bộ điện đài,
2 tàu vận tải, gần 300 triệu đồng tiền Ngân hàng Việt Nam giả và nhiều phương tiện hoạt động khác.
Tại phiên tòa xét xử vụ án gián điệp của cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu vào cuối tháng 12/1984 tại TP Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên phạt tử hình các tên Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ Thái Bạch, các bị cáo khác nhận bản án thích đáng.
Thực hiện ý kiến của Bộ trưởng Phạm Hùng lúc đó là phải bắt hết và xóa sổ cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” của Túy – Hạnh ở nước ngoài, một kế hoạch khác được thành lập song song với Kế hoạch CM12 đó là một chuyên án mang tên ĐN10 (Hộp hình trận đánh KôKôngKang).
Tháng 10/1982 lực lượng An ninh lập kế hoạch khác đó là Chuyên án ĐN10 và bắt đầu cho đài của gián điệp biệt kích đặt ở Đồng Nai liên lạc với trung tâm của địch.
Trận đánh ngày 9/9/1984, hai tên Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá bị bắt. Nhưng Lê Quốc Túy ở nước ngoài không hay biết kế hoạch của chúng bị phá sản, chúng vẫn ảo tưởng còn tồn tại sự hoạt động của chúng trong nội địa. Vì thế, chúng xây dựng một kế hoạch chuẩn bị bến bãi để thực hiện những bước phiêu lưu cuối cùng. Chúng tổ chức đưa 02 toán xâm nhập bằng đường bộ qua biên giới Campuchia đều bị cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ.
Đầu tháng 2/1987 toán thứ 3 gồm 8 tên đi bằng đường biển vào đảo Koh Kong để lực lượng từ đất liền ra đón. Lực lượng An ninh đã đóng vai quốc nội để đón bắt chúng. 8 tên gián điệp biệt kích gặp bão, tàu bị vỡ tản mát tìm các chiến hữu quốc nội; Nhận ra ám hiệu an toàn, chúng được đưa về nơi đón tiếp. Tại đây chúng mới biết đã bị lực lượng an ninh của ta bắt giữ.
Toàn bộ vũ khí, phương tiện và những tên biệt kích cuối cùng trong tổ chức gián điệp biệt kích do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu bị sa lưới của lực lượng An ninh tại đảo KôKôngKang. Âm mưu và ảo vọng của chúng hoàn toàn bị tiêu tan.
Kế hoạch CM12 và ĐN10 thắng lợi là một chiến công lớn của lực lượng An ninh kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đồng thời là một trong các vụ án lớn trong lịch sử chiến đấu của CAND Việt Nam. Thắng lợi đó đã làm thất bại ảo vọng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam (Tang vật trong kế hoạch phản gián CM12 & ĐN10 – Nhóm vũ khí thu được trong đấu tranh chuyên án).
Kế hoạch phản gián CM12 là tập hợp của nhiều chuyên án đấu tranh với phản động lưu vong ở nước ngoài, trong đó chuyên án CM12 là chuyên án trung tâm đấu tranh với các đối tượng trong mặt trận thống nhất, các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh. Và kế hoạch phản gián CM12 được kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng của chuyên án CM12. Nguyên cố Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã khẳng định: “Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, Kế hoạch CM12 là một trong những chiến công xuất sắc nhất và đáng tự hào của lực lượng Công an nhân dân, thắng lợi của Kế hoạch CM12 là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo của CAND Việt Nam”. Tất cả những điều đó khiến cho một hòn đảo nhỏ xa tít ven bờ biển Cà Mau luôn là điểm đến của nhiều người, khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân địa phương cũng như du khách thập phương.
Du khách còn được tham quan và thưởng ngoạn thắng cảnh kỳ thú Hòn Đá Bạc như bàn tay tiên, giếng nước hình bàn chân tiên gợi nhớ về một giai thoại xa xưa rằng nơi đây có nhiều thần tiên hạ phàm và còn lưu lại những dấu tích cho đến ngày hôm nay. Trên Hòn còn có những rặng cây rừng rậm rạp, chênh vênh trên vách đá, nghe thanh âm của sóng vỗ vào bờ tạo tạo nên khúc giao hưởng thanh bình, yên ả của trùng khơi. Ngoài ra, khi đến với Hòn Đá Bạc du khách có thể trải nghiệm loại hình du lịch tâm linh, tín ngưỡng như viếng Lăng Ông Nam Hải, chiêm ngưỡng bộ xương cá voi lớn dài khoảng 13m được thành kính đặt trong đền thờ cá Ông trên đỉnh Hòn Đá Bạc, nghe giai thoại của cá Ông cứu người được mệnh danh là vị thần hộ mệnh của những người dân xứ biển.
Với nét đẹp hoang sơ, kì vĩ cùng những dấu tích lịch sử in đậm, nơi đây trở thành địa điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách đến với mảnh đất
cuối trời cực Nam Tổ quốc.